Từ ngàn đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ trọng đại của người dân Việt Nam - những người tự hào mang trong mình dòng máu Tiên Rồng. Trong những ngày tháng 3, ai cũng mong được hành hương về đất Tổ, lên đỉnh non thiêng Nghĩa Lĩnh thành kính dâng nén hương thơm, tỏ lòng tri ân công đức các Vua Hùng có công dựng nước. Ngày Quốc giỗ là dịp để cháu con hôm nay nghĩ suy về truyền thống cha ông, tự hào về sức mạnh cội nguồn, về sự trường tồn của dân tộc.
Nối tiếp truyền thống tri ân tiền nhân có công dựng nước hàng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay được tổ chức trang nghiêm, mang tính cộng đồng rất sâu sắc và gắn với các hoạt động hội nhằm tôn vinh di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”.
Bằng tình cảm, vinh dự và trách nhiệm, tỉnh Phú Thọ được thay mặt đồng bào cả nước trông coi lăng miếu, hương khói thờ cúng Tổ tiên. Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ cùng với sự phối hợp và tham gia với tinh thần trách nhiệm cao của 5 tỉnh: Sơn La, Phú Yên, Đắc Nông, Bạc Liêu và Tiền Giang đại diện cho các vùng, miền của cả nước đã triển khai tích cực Kế hoạch Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi 2015.
Từ xưa đến nay, Lễ hội Đền Hùng không thể thiếu vai trò tổ chức, quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, di sản đặc biệt này đã, đang duy trì sức sống trong bàn tay nuôi dưỡng của cộng đồng. Có mặt tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng mới thấy, hội trại văn hóa của 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh năm nay không khác nhiều so với mọi năm nhưng vui hơn, mới hơn với các làn điệu hát Xoan mượt mà, đằm thắm, với những nét văn hóa dân gian vô cùng đặc sắc tương truyền có từ thời Hùng Vương. Đáng chú ý, nhiều hoạt động trong Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay đã đưa di sản trở về với cộng đồng cũng như phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Điều này được minh chứng khi các địa phương đã chủ động, tự nguyện tham gia rước kiệu theo phong tục tập quán của địa phương. Đây là một nghi thức quen thuộc của người dân nơi đây từ lâu đã là một thành tố của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Bên cạnh đó, hát Xoan Phú Thọ cũng được đồng bào các dân tộc giới thiệu, quảng bá qua các hoạt động tại hội trại cũng như các buổi trình diễn hát Xoan làng cổ tại các điểm du lịch di sản như miếu Lãi Lèn, đình Thét - xã Kim Đức, đình Hùng Lô- xã Hùng Lô, TP Việt Trì.
Theo Ban tổ chức, mùa Lễ hội Đền Hùng năm nay diễn ra đúng dịp mừng 40 năm thống nhất đất nước, được nghỉ dài ngày, nên lượng du khách đổ về Đất Tổ đông hơn mọi năm. Từ ngày khai hội (ngày 23-4, tức 5-3 âm lịch) tới nay, ước tính có trên 7 triệu lượt du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về dự lễ. Tuy lưu lượng người và phương tiện giao thông gia tăng nhưng công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông đã được thực hiện tốt, thông tin liên lạc vẫn được đảm bảo không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Hiện tượng ùn ứ, tắc nghẽn hay chen lấn, xô đẩy đã không xảy ra. Điều đó không chỉ từ ý thức của mỗi người dân khi về với Đất Tổ mà còn ở sự chuẩn bị chu đáo, tấm lòng, trách nhiệm của địa phương trong công tác tổ chức.
Đồng chí Hà Kế San - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi 2015 cho biết: Một trong những mục tiêu của UBND tỉnh Phú Thọ trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2015 là tập trung chỉ đạo tổ chức một lễ hội thành công, chu đáo, an toàn; tạo sự hài lòng cho đồng bào và du khách; từng bước đưa Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành một lễ hội mẫu mực trong cả nước. Cùng với phần hội, phần lễ được tổ chức trang nghiêm, hướng tới các giá trị cộng đồng sâu sắc và gắn với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tín ngưỡng nhằm tôn vinh Di sản thế giới “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Kế San nhấn mạnh: Mặc dù trên cả nước hiện nay có hơn 1.400 di tích thờ Vua Hùng, nhưng Đền Hùng ở Phú Thọ vẫn là di tích trung tâm, trở thành tâm điểm trong việc bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Với quyết tâm tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hướng tới sự mẫu mực để xứng đáng là Lễ hội cấp quốc gia quan trọng nhất trong năm, đồng thời phấn đấu tạo sự hài lòng cho đồng bào và du khách, cùng với các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, nhân dân trong tỉnh và các tỉnh đại diện 3 miền tham gia góp giỗ, tỉnh Phú Thọ đã tích cực huy động các lực lượng tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong suốt mùa lễ hội, đồng thời cũng chuẩn bị mọi phương án để đảm bảo cho Lễ hội năm nay diễn ra an toàn. Mục tiêu cao nhất là hướng tới tổ chức Lễ hội mẫu mực, chu đáo và làm hài lòng tất cả các du khách khi hành hương về với Đất Tổ.
Làm rõ hơn nội dung này, Đại tá Hà Minh Tân, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết: Lễ hội Đền Hùng năm 2015 được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương đổ về. Do đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự phải được đặt lên hàng đầu. Nhận định mùa Lễ hội Đền Hùng năm 2015 sẽ có đông du khách về dâng hương do trùng với ngày nghỉ lễ 30-4, Công an tỉnh đã huy động gần 1.000 chiến sĩ thuộc các lực lượng: An ninh, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự… tham gia đảm bảo trật tự, trong đó các tổ trinh sát mặc thường phục đã hoạt động từ ngày khai hội, mùng 5-3 âm lịch. Ngoài ra, công tác đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông trong dịp diễn ra Lễ hội Đền Hùng còn có sự hỗ trợ của 21 camera được đặt tại các vị trí trọng điểm, các tuyến đường, khu vực diễn ra Lễ hội Đền Hùng. Hình ảnh từ những chiếc camera được truyền tải trực tiếp về Trung tâm thông tin chỉ huy, sau đó từ Trung tâm thông tin chỉ huy sẽ liên lạc trực tiếp với các tổ công tác thông qua bộ đàm. Nếu chiến sĩ ở phòng máy phát hiện người khả nghi hay có hành động móc túi sẽ truyền thông báo tới người đứng ở chốt trực gần đó để xử lý. Để đảm bảo giao thông được thông suốt, công tác phân luồng giao thông từ trên các tuyến đường từ Vĩnh Phúc, Hà Nội, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang... được thực hiện từ xa. Các bãi trông giữ xe phải được sự cho phép của Ban tổ chức và giá được niêm yết theo đúng quy định. Các đội liên ngành thường xuyên tuần tra kiểm soát tránh việc các điểm kinh doanh trên địa bàn tăng giá không đúng với cam kết ban đầu. Trong những ngày diễn ra Lễ hội, lực lượng công an đã phát hiện 1 vụ trộm cắp, bắt giữ 1 đối tượng với hình thức móc túi; triệt phá 1 vụ mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực diễn ra Lễ hội; tổ chức kiểm tra 24 cơ sở kinh doanh lưu trú, 116 cơ sở kinh doanh có điều kiện, lập biên bản 20 cơ sở có vi phạm. Lực lượng liên ngành do công an làm nòng cốt cũng đã tiến hành kiểm tra 370 cơ sở kinh doanh dịch vụ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; đình chỉ 34 trường hợp hoạt động trái phép, 5 trường hợp bói toán mê tín dị đoan; nhắc nhở 11 trường hợp vi phạm, thu giữ 138 phi tiêu và 2 bảng phi tiêu, 60 pano quảng cáo trái phép, 330 tờ sớ, 164 dao nhọn, 127 bộ cờ thế, 80 đầu sách không rõ nguồn gốc xuất bản; đặc biệt đã đình chỉ 14 điểm trông giữ xe máy trái phép, thu giữ 475 vé trông giữ xe không đúng quy định và 1.445 ngàn đồng…
Ông Lưu Quang Huy - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Các hoạt động Lễ hội tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng đến nay đã chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp hơn nhờ công tác thanh, kiểm tra thường xuyên, kịp thời xử lý sai phạm. Trong mùa lễ hội vừa qua, tình trạng cờ bạc, đốt đồ mã, thắp hương bừa bãi, gài giắt tiền, đổi tiền mệnh giá nhỏ ăn chênh lệch, mất vệ sinh môi trường… tại Khu di tích hầu như không xảy ra. Các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ lễ hội được chọn lọc, bố trí ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Việt Trì, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và vùng phụ cận khiến không khí lễ hội thêm rộn ràng. Ban quản lý cũng đã phân công cán bộ của Phòng Quản lý dịch vụ - du lịch, Phòng Bảo tàng và Phòng Bảo vệ phối hợp nhắc nhở người dân sử dụng tiền đúng mục đích, đúng nơi quy định.
Một đồng nghiệp với chúng tôi, anh Trịnh Hữu Thọ - phóng viên Báo Bạc Liêu cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi ra Bắc, đặc biệt được về Đất Tổ đúng dịp chính giỗ, được tham gia các hoạt động Giỗ Tổ, tôi càng thấy tự hào khi Bạc Liêu là 1 trong 5 tỉnh cùng Phú Thọ tham gia tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm nay. Với vai trò là phóng viên, về với Đền Hùng thắp nén tâm nhang tri ân công đức Tổ tiên và tham gia vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa Đất Tổ, cho tôi cơ hội hiểu thêm về vùng Đất Tổ cội nguồn và hai tiếng “Đồng bào” thiêng liêng, từ đó làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần làm cho nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam, hiểu rõ về những việc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã và đang tiến hành để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Anh Nguyễn Trung Tuyến ở Cổ Nhuế, Hà Nội phấn khởi cho biết: Lượng khách đông, không gian Khu di tích có hạn song những hình ảnh phản cảm như ăn xin, cờ bạc, hàng rong, chèo kéo khách… hầu như không có. Hệ thống hàng quán được quy hoạch gọn gàng, thức ăn chín để trong tủ kính, niêm yết giá công khai. Dọc các lối đi, từ sân trung tâm lễ hội lên đền Thượng, xuống đền Trung, đền Hạ rồi đền Giếng, đâu đâu du khách cũng gặp những tấm biển nhắc nhở người trẩy hội ứng xử văn minh: Không mặc quần soóc, áo không tay, váy ngắn khi hành lễ, không vứt rác bừa bãi, đặt tiền "giọt dầu"… đúng nơi quy định. Trong các điểm di tích, hệ thống hòm công đức, khay đựng tiền "giọt dầu" được đặt ở những nơi hợp lý, có người thu gom. Tất cả các điểm ghi công đức đều có tấm biển ghi rõ nội dung tiếp nhận công đức, số điện thoại nóng của những người có trách nhiệm để kịp thời tiếp thu phản ánh của du khách.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2015, Phú Thọ đăng cai Hội chợ Du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2015, với sự tham gia của 8 tỉnh miền núi Tây Bắc: Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Hiệp hội du lịch Phú Thọ và tỉnh Nara (Nhật Bản) và 13 huyện, thành, thị trong tỉnh. Trong đó, giao lưu quốc tế với tỉnh Nara (Nhật Bản) là nét mới lạ của lễ hội năm nay, nhằm quảng bá hình ảnh của tỉnh Phú Thọ nói chung và Việt Nam nói riêng đến với nước bạn Nhật Bản và bạn bè quốc tế. Gian hàng của tỉnh Nara tại Hội chợ du lịch đã tạo nên không khí mới lạ với hình ảnh cây hoa anh đào và cô gái mặc bộ kimono đỏ… thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Ông Kosuke Doi, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại tỉnh Nara nói: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi sang giao lưu với tỉnh Phú Thọ. Tham gia các hoạt động Giỗ Tổ của Việt Nam đã để lại rất nhiều ấn tượng cho chúng tôi. Rất mong hai tỉnh và hai nước sẽ có nhiều mối quan hệ hợp tác thúc đẩy trong nhiều lĩnh vực...”.
Là kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam, Phú Thọ là vùng đất cổ còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương bao gồm gần 1.500 di tích lịch sử văn hóa cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể, trong đó “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là một điểm sáng trong tâm linh người Việt. Với lòng nhiệt thành và những chương trình hành động cụ thể, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ sẽ cùng đồng bào cả nước gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp mang bản sắc Việt trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đinh Vũ (nguồn Báo Phú Thọ)