Thứ 5, 13-12-2024, 04:11
PHAN ĐĂNG LƯU thân thế sự nghiệp và sưu tầm tác phẩm

       Nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) và kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902-5/5/2022) Thư viện tỉnh Phú Thọ trân trọng giới thiệu cuốn sách “Phan Đăng Lưu thân thế sự nghiệp và sưu tầm tác phẩm” do GS.TSKH.Phan Đăng Nhật cùng tập thể tác giả biên soạn, sách dày 539 trang; khổ 16x24cm, Nxb Dân Trí phát hành năm 2018.

       Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05 tháng 05 năm 1902 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là hậu duệ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và Thái tổ Mạc Đăng Dung. Được sinh ra và giáo dục truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương, ngay từ những năm tháng tuổi trẻ học đường, đồng chí Phan Đăng Lưu đã ấp ủ hoài bão đưa nước ta theo con đường phát triển, tự do, độc lập nhằm mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Ở tuổi thanh niên, với tinh thần ham học hỏi, tìm tòi cái mới và gần gũi nhân dân, đồng chí đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng: phải đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược và bè lũ phong kiến tay sai mới có thể cứu được nước, cứu được nhà, mới có thể chấn hưng đất nước. Qua nhiều năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Đăng Lưu đã trưởng thành: từ một đảng viên và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tân Việt cách mạng Đảng (tiền thân là Hội phục Việt) dấn thân vào hoạt động cách mạng gian khổ và hiểm nguy,18 năm, đồng chí đã trở thành đảng viên và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng cộng sản Đông Dương- Đảng cộng sản Việt Nam. Đồng chí được giao giữ trọng trách Xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ (1936-1937), Ủy viên BCH Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương (1937-1939). Đồng chí đã vận động và lãnh đạo có kết quả phong trào mặt trận thống nhất phản đế (1936-1940). Sau khi đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị bắt (17-01-1940), đồng chí Phan Đăng Lưu đảm đương công việc Tổng bí thư/ Bí thư trung ương; Sau khi đồng chí Võ Văn Tần, Trung ương ủy viên cuối cùng bị bắt (21-04-1940), đồng chí Phan Đăng Lưu tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, giành nhiều thắng lợi; vào cuối tháng 10-1940 đồng chí Phan Đăng Lưu đã từ Nam ra Bắc cùng với xứ ủy Bắc kỳ tổ chức Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hội nghị trung ương lần thứ VII). Tại Hội nghị này, toàn thể các đồng chí tham dự Hội nghị đều nhất trí đề cử đồng chí Phan Đăng Lưu vào cương vị Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa VII. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí rất phong phú, đa dạng và sôi động; Về tri thức, đồng chí uyên thâm văn hóa Á Đông, thông thạo tứ thư ngũ kinh, lưu loát Trung văn, viết chữ Hán rất đẹp, giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, giỏi cả tiếng Ê Đê (7 năm tù ở Buôn Mê Thuột). Về tính tình, đồng chí rất điềm đạm, giản dị, cởi mở, vui vẻ, hài hước, thân thương, có sức thuyết phục cao đối với mọi tầng lớp, kể cả từ tên cướp ở Ninh Hòa- Phú Yên, đến các vị đại thân sĩ và thượng lưu tri thức. Chiều ngày 22-11-1940 đồng chí bị địch bắt, dù bị tra tấn cực kỳ tàn độc, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đêm ngày 26-8-1941 đồng chí Phan Đăng Lưu cùng một số đồng chí lãnh đạo của Đảng như đồng chí Nguyễn Văn Cừ… bị quân thù tàn bạo âm thầm đưa đi thủ tiêu tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định, đồng chí hy sinh lúc 39 tuổi đời. Đồng chí Phan Đăng Lưu là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa, thấy rộng, đầy mưu lược, khôn khéo, dũng cảm, kiên cường, một nhà báo, nhà văn sử dụng công cụ văn chương và báo chí để đấu tranh cách mạng và một nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Trí tuệ và tài năng của đồng chí đã góp phần to lớn chuẩn bị tiến tới cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của anh hùng liệt sĩ Phan Đăng Lưu mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, biết ơn sâu sắc; qua đó góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống, tác phong giản dị, cần mẫn, khiêm nhường, sáng tạo của đồng chí Phan Đăng Lưu cho toàn Đảng, toàn dân, trước hết là cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập noi theo./.

Phòng Bạn đọc

Liên kết web :
Đang online : 2
Hôm nay : 551
Tháng hiện tại : 5330
Tổng lượt truy cập : 400016